Website Translation

CÁCH THUẦN HOÁ VÀ NUÔI DƯỠNG CHÓ KIỂNG




Chó được chọn làm kiểng tất nhiên phải là loại chó quí hiếm, do ở bản chất đặc biệt của giống dòng. Có giống chó lớn như con Danois, Doberman, Berger, Boxer... nhưng cũng có giống nhỏ như con Chihuahua, Chó Bắc Kinh, Tee Shu, Pinscher... lại mỗi con, mỗi tính, mỗi nết, nên đòi hỏi mỗi cách săn sóc khác nhau.

Do đó, tuỳ theo sở thích, tuỳ theo hoàn cảnh cho phép mà người chọn nuôi giống chó này, kẻ lại chọn nuôi giống chó khác. Có người nuôi chơi một vài con làm giống, nhưng cũng có người nuôi để sinh sản hầu kinh doanh nên phải nuôi số nhiều.

Nhưng, dù nuôi ít hay nuôi nhiều, nuôi tài tử hay nuôi chuyên nghiệp thì việc THẦN HOÁ và NUÔI DƯỠNG CHÓ KIỂNG LÀ việc ai cũng phải quan tâm. Vì rằng, chắc chắn không ai muốn nuôi một con chó '' phản chủ '' trong nhà, cũng không ai lại muốn nuôi một con chó có những nết xấu xa, những thói tật mà mình không tài nào sửa đổi nổi.

Vì vậy, có những vấn đề tuy nhỏ liên quan đến con chó nuôi trong nhà, ta cũng phải chú ý quan tâm:

CÁCH CHỌN MỘT CON CHÓ TỐT

Một con chó tốt là con chó hợp với ý thích của mình từ giống dòng, từ vóc dáng, từ sắc lông, từ tuổi tác, từ tính nết... Nhưng, giống dòng có thể biết, vóc dáng sắc lông thì đã sờ sờ trước mắt, tuổi tác cũng có cách để kiểm chứng, nhưng tính nết con vật thì đâu có biểu lộ hết ra ngoài? Nên coi đó là một sự chọn lựa hên xui may rủi chăng?

Người xưa, muốn chọn chó mà nuôi, người ta phải xem tướng chó , con nào mặt mày tươi rói, sắc lông mượt mà, lanh chai thì mới được chọn nuôi. Còn con nào lầm lì '' như chó ăn vụng bột '', hoặc đểnh đoảng '' nhu chó sủa ma '' thì có cho các cụ cũng chẳng thèm.

Cách coi tướng chó của người xưa, nay có người tin, những cũng có người không tin, nhưng, dù sao thì chúng ta cũng phải bước những bước sau đây.

A. CHỌN CHÓ NHỎ MÀ NUÔI: nếu đó là con chó mới lẻ bầy, tháng rưỡi tuổi thì không nói làm gì. Nhưng nếu là chó lớn thì ta phải chọn chó còn tơ, như vậy mới bỏ công nuôi dạy. Vì ai cũng biết, đời sống của chó rất ngắn nhủi, trung bình độ mười năm. Sau cái tuổi đó, nếu có '' thọ '' hơn năm ba năm nữa, thì chó cũng đã già rồi, đâu còn giúp ích gì cho ta được. Hơn nữa, chó đã già thì làm kiểng cũng không còn hấp dẫn được ai!

Muốn biết tuổi chó, nhìn tướng có thể lầm, vì con chó mập mạp khoẻ mạnh có thể '' trẻ '' hơn trước tuổi. Vậy, tốt hơn hết là coi răng của chó, cũng như người ta coi răng bò để đoán tuổi bò vậy.

Được biết:

_ Chó một tháng tuổi đã mọc răng sữa. Vì vậy, người ta phải cắt bớt răng để chó khỏi day vú mẹ, khiến chó mẹ bị đau mà trốn tránh không cho con bú.
_ Đến sáu tháng tuổi thì lớp răng sữa đó đều rụng hết, và mọc nên răng mới. Đây là loại '' răng thật '', còn gọi là răng vĩnh viễn, vì hiện diện cho đến thời già nua của chó.
_ Chó một năn tuổi, nhìn răng thì thấy ở giữa mặt răng cộm u lên, chứng tỏ chưa bị bào mòn.
_ Chó hai năm tuổi thì mấy cái răng giữa của hàm dưới đã bị bào mòn bằng mặt, chứ không cộm u như trước nữa.
_ Chó ba năm tuổi thì bốn răng cửa hàm dưới cũng mòn bằng mặt.
_ Chó bốn năm tuổi thì bốn răng cửa hàm dưới cũng mòn bằng mặt.
_ Chó bảy năm tuổi trở nên thì lông chung quanh mõm, rồi đến lông mặt bạc trắng ra, y như người già bạc râu vậy.
_ Chó già nhìn qua biết ngay: lù đù, kém lanh lợi, thụ động, thích nằm một chỗ.

Khi chọn một con chó tơ ưng ý rồi, ta còn phải để tâm đến việc chọn dáng vóc của nó nữa.

B: CHỌN CHÓ ĐỰC: Muốn có một con chó đực tốt, ta phải chọn những con khoẻ mạnh, không bệnh tật, cao lớn, ngực nở vai rộng, bộ chân cao ráo, cứng cáp, mặt phải sáng láng tỏ rõ sự thông minh. Ngoài ra, cũng phải quan sát bộ sinh dục của chó xem có bị bệnh tật gì không, tinh hoàn đầy đủ không.

C: CHỌN CHÓ CÁI: Thường thì vóc dáng chó cái nhỏ hơn chó đực ( tất nhiên là so sánh các con cùng dòng giống với nhau ), nhưng với chó cái vóc dáng quá nhỏ ta nên loại ra. Nuôi chó cái dù làm kiểng, nhưng cũng để sinh sản, do đó nên chọn những con chó cái có thân hình to lớn, hông rộng để sau sinh con được dễ dàng. Ngoài ra, ta còn phải quan sát số vú của chó ra sao. Vú phải đều, không dị tật, núm lớn và ít nhất phải có tám cái đủ tiêu chuẩn. Loài gì cũng vậy, con cái mà vú lép, hay bị dị tật gì khác, thì dù có khả năng nuôi con giỏi, thì lứa con cũng không được thành công như ý.

Khi đã chọn được cho mình một con chó nhỏ hay chó tơ theo đúng tiêu chuẩn thì đã là một sự đáng hài lòng rồi. Đát chó về nhà, tất nhiên ta phải lo đi những bước mới.

ĐẶT TÊN CHO CHÓ

Với con chó đã có tên sẵn khi mới mua về thì không nói làm gì, nhưng với chó con, hoặc chó mà mình không biết tên, thì mình nên đặt tên mới cho nó.

Tên chó không nên đặt dài dòng, chỉ một hay hai chữ mà thôi. Như vậy, vừa dễ gọi và chó lại dễ nhớ. Người ta bảo '' ngu như chó '' cũng có phần đúng, vì con chó vốn có tính hay quên, khi dạy điều gì ta phải chịu khó lập đi lập lại nhiều lần thì mới nhập tâm được.

Ta vốn biết con chó có tính hư ăn ( Thành ngữ có câu: '' Hư ăn như chó '' mà ) cho nên hễ nơi nào động dao động thớt, động chén động thìa là con chó chạy theo ngay. Vậy, hễ một lần cho ăn là ta gọi to tên nó, tất nhiên nó sẽ chạy đến.

Đây cũng là giai đoạn đầu để mình và con vật làm quen, nên thỉnh thoảng ta lấy tay vỗ nhẹ nhàng nên đầu nó, vừa vỗ vừa gọi tên. Nếu cần thì vuốt ve thân mính nó, nếu là chó kiểng nhỏ thì bồng ẵm nó lên ra vẻ chiều chuộng thương yêu... Tất nhiên, con chó lạ sẽ có cảm tình ngay với người chủ mới.

Biểu lộ tình cảm thương yêu, không chỉ ở sự vuốt ve con vật mà là còn phải cho ăn uống no nê, ngon miệng. Vốn là giống '' tham ăn như chó '' nên từ đó về sau hễ gặp chủ là nó vẫy đuôi, đó là cách ve vãn, nịnh nọt để xin ăn chứ không có gì khác.

TÌM HIỂU TÍNH NẾT CỦA CHÓ

Có hiểu được tính nết của chó ra sao thì ta mới dễ dàng dạy dỗ được. Chẳng hạn chó tham ăn thì ta dùng mồi để dụ. Với chó dữ dằn lì lợm thì đành phải '' người roi, voi búa '', dùng hình phạt nặng nó mới chịu nghe.

Cũng như với con chó thông minh ta dạy khác, còn chó... '' ngu như chó '' thì dạy cách khác... Vì vậy, việc tìm hiểu bản tính của chó là việc lên làm.
Muốn được vậy, ta càng phải gây sự thân thiện hơn với chó.

Một khi con chó đã thực sự thân thiện với người chủ mới, và đã quen thuộc với hoàn cảnh mới, nếp sống mới, thì nó tự biểu lộ bản năng thực sự của nó ra:

_ Nếu tính lười biếng thì cả ngày nó cứ chúi đầu vào góc kẹt nào đó trong
nhà mà ngủ.

_ Nếu biết giữ nhà, thì dù ngủ, chó cũng nằm ngay cửa ra vào, chứ không đi đâu xa.

_ Nếu biết săn mồi, săn thú thì gặp chuột ở đâu nó theo vồ đến đó. Hoặc cả ngày cứ vẩn vơ ở bên sóng chén, tủ thức ăn, nơi chứa than củi... vốn là nơi chuột bọ tới lui...

_ Khi gặp khách lạ vào nhà, chó dữ hay hiền ta biết rõ ngay...
Tìm hiểu được bản tính của chó ra sao rồi, thì ta mới dễ dàng dạy dỗ nó được.

Nhưng, phải dạy dỗ bằng cáh nào?

Có người khuyen ta cứ dùng lời lẽ ôn tồn, dùng sự vuốt ve để phủ dụ, dần dần con chó sẽ nghe lời, sẽ ngoan ngoãn vâng theo lời chỉ bảo của ta.
Nhưng, có người lại cho rằng, phải dùng roi vọt để dạy thì mới có kết quả tốt. Chó tuy dữ nhưng lại sợ đòn, chỉ '' nhá '' roi lên là nó đã cụp tai khiếp vía. Đó là phương pháp của những người dạy thú dữ cọp, beo của các đoàn xiếc, với cây roi điện cầm tay.

Có người lại cho rằng, với chó chỉ cần lời nói nghiêm nghị, lệnh truyền phải chính xác, gắt gao thì nó cũng đủ sợ rồi. Cây roi nếu cần chỉ coi là vật hù doạ, chứ không nên đánh đập. Vì lỡ '' chó chạy cùng đường '' thì lại phản tác dụng. Khi quá sợ, thì chó sẽ nổi điên...

Có điều ta nen nhớ rằng với tình thương yêu sẵn có ta sẽ dễ dàng cảm hoá được con vật, dù đó là chó, vốn nổi tiếng ngu si và dữ tợn. Ta cũng thừa biết, đã là chó thì tất nhiên chúng có nhiều nết xấu: sủa bậy, cắn càn, ăn vụng... Nếu không vướng tật này thì nó cũng vướng phải nết kia. Nhưng dù sao cũng phải biết rõ đúng bệnh để trị, biết đúng chứng để uốn nắn thì công việc dạy dỗ mới dễ dàng và chóng có kết quả như ý hơn. Hơn nữa, với chó kiểng, con chó luôn sống gần với mình, nếu khôn ngoan hơn, giỏi giang hơn, tất nhiên chúng trở nên con vật giá trị hơn.

DẠY NGỦ ĐÚNG CHỖ

Khi mua con chó về nhà, việc trước tiên là ta tìm cho nó một chỗ ngủ nhất định. Chỗ ngủ của chó tất nhiên là chỗ khuất nhưng thoáng khí, hợp vệ sinh, như gầm bàn, gầm càu thang... Nơi đây ta để cho chó một cái hộp bằng gỗ, hoặc là một cái thau nhựa, nếu là chó nhỏ; hoặc trải một tấm mền cũ, một cái bao tải nếu là chó lớn con, và bắt buộc chúng nằm ở đó. Đây cũng là bài học đầu tiên ta truyền dạy cho con vật.

_ Ta ấn đầu và mình chó vào chỗ đã định và bảo '' nằm xuống '', với giọng ra lệnh. Có thể con chó sẽ ngoan ngoãn nằm, nhưng rồi... ta vừa rời khỏi thì chúng lại đi. Cũng có thể con chó bướng bỉnh: ta ấn đầu thì nó chỏng mông, mà ta ấn mông thì hai chân trước nó đã trổi dạy. Thật ít khi gặp được con chó thông minh đến độ biết nghe lời ta liền. Tuy nhiên, với cái lệnh tren, ta cứ lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày ( mà lần cuối cùng là trước khi đi ngủ ), và trong nhiều ngày liên biếp. Thế nào, con chó cũng hiểu được ý ta, và cuối cùng nó cũng phải tuân theo mệnh lệnh. Mà dù chó có tuân theo đi nữa, ta cũng vẫn phải để tâm theo dõi, để một ngày nào đó, thấy chó đi '' ngủ lang '' sang một chỗ khác, thì ta lại bắt nó trở về chỗ cũ.

Với con chó bướng bỉnh, không chịu tuân lời, thì chỉ còn cách xích nó lại bên cạnh chỗ nằm mà ta lựa chọn, thế nào thấy chỗ ấm áp chó cũng nằm lên đó mà ngủ. Quen hơi, sẽ tự giác nhận đó là chỗ ngủ của mình.

DẠY TIÊU TIỂU ĐÚNG CHỖ

Chó con thì chưa có trí khôn, chó lớn mới mua về thì lạ chỗ lạ nơi, nên thường tiểu tiện bậy bạ trong nhà, trong sân, đó là điều không vừa lòng người chủ. Thật ra, đây là một vấn đề không kém quan trọng, bắt buộc ta phải nghĩ tới khi đem về nhà một con chó lạ.

Dĩ nhiên, nếu nhà có vườn rộng thì điều này không cần đặt ra. Nhưng phố xá chật chội thì điều này phải nghĩ đến ngay từ đầu.

Giống chó không phải ở dơ, thường thì nó tieu tiểu có nơi có chỗ nhất định.
Theo bản năng sinh tồn còn lưu truyền trong ký ức của chúng, thì khi tieu xong là phải quào đất lấp kín lại ngay, vì sợ kẻ thù ( như cọp, beo ) phát giác ra sự có mặt của nó mà lùng bắt ăn thịt. Bằng chứng là ta thấy sau khi đi tiêu xong, con chó thường bước xa mấy bước rồi lấy hai chân trước quào đất lấp cho có lệ, rồi mới trở vào nhà. Đó là thói quen cổ xưa của tổ tiên chúng mà lúc còn là sói ở rừng, đã thâm nhập vào huyết quản chúng, có điều nay chúng đã quên dần đi... ( cú xem con mèo quào đất lấp phân thì ta sẽ rõ ).

Hiểu được điều đó, sẽ giúp ta biết được thêm rằng loài chó không cẩu thả trong việc tiêu tiểu bừa bãi.

Tất nhiên, đã nuôi chó là phải chịu hốt phân. Vì vậy, dù nhà chật hẹp, ta cũng phải tìm một nơi thích hợp để dạy cho chó tiêu tiểu.

Tuỳ theo chó lớn hay nhỏ con, ta đóng một cái máng bằng gỗ, bên trong đổ một lớp cát tương đối dày. Sau đó, khi bắt gặp chó có triệu chứng muốn tiêu tiểu, ta dẫn chúng đến chỗ cái máng cát - nếu cần nhấc chúng lên, đặt vào đó - để chúng tieu tiểu. Chỉ cần tập một vài lần như vậy, chó sẽ biết được đó là '' phòng vệ sinh '' của mình, lần sau cứ tự động đến...

Sở dĩ chó quen nhanh như vậy, là do trong máng có cát, mà loài chó thì có thói quen tiêu tiểu trên đất cát ( để dễ quào che lấp kẻ thù ). Hơn nữa, trong máng có lưu lại cái mùi nước đái đặc biệt của nó, nên nó cứ tìm đến khi tiêu tiểu nmhữmg lần sau.

DẠY CHÓ GIỮ NHÀ

Dạy chó giữ nhà, hiểu theo đúng nghĩa là biết sủa để không cho người lạ vào nhà, biết cắn nếu người lạ ( hay kẻ gian ) liều lĩnh vào nhà... Nhưng, thông thường thì người mình chỉ cần có một con chó biết sủa đúng lúc khi có người lạ mặt bước vào nhà, như vậy là đã coi là chó biết giữ nhà. Mà việc này thì tập không khó.

Thường thì con chó nào cũng biết giữ nhà theo cách đó cả. Nghĩa là hễ gặp người lạ vào nhà thì chúng chòm tới sủa oang lên để báo động cho chủ biết mà tuỳ nghi đối phó. Ta có câu: '' chó cậy nhà, gà cậy vườn '' là vậy. Nhưng nếu nuôi phải con chó mà khách vào cứ nằm trơ ra, thì một là nó ngu, hai là nó nhát, ba là nó hiền.

Trong trường hợp cần chó giữ nhà mà khách lạ vô nhà chó không sủa , thì ngu hay hiền cũng coi là một, cần phải loại ra.

Còn nếu chó nhát, thì tập cho nó dữ dằn lên một tí, tất nhiên nó không còn nhát nữa.

Ta tập bằng cáh xích chó nằm gần cửa, rồi nhờ một người ăn mặc rách rưới, vai mang bị, đầu đội nón mê vào cửa chọc phá nó để xem nó phản ứng ra sao. Nếu con chó chồm lên mà sủa, tất là con chó cũng biết giữ nhà, thì cứ tập đi tập lại nhiều lần, chó sẽ can đảm lên mà thuần thục công việc. Nhưng, nếu làm như vậy, mà chó cứ vô tình nằm im, thì coi như là vô dụng.

Thành ngữ có câu: '' chó cắn áo rách '', hễ là chó nhìn thấy ai ăn mặc lôi thôi đều nghĩa đó là kẻ gian nên đuổi theo sủa cắn cho bằng được. Nếu chó mà tha kẻ áo rách thì quả thực là con chó quá hiền, hoặc quá ngu rồi!
Tâm lý người mình, nuôi chó để làm kiểng, dù con chó quí hiếm đến cả lượng vàng, cũng đòi hỏi nó biết giữ nhà thì mình mới vui. Nếu nuôi chó chỉ để làm kiểng không thôi, thì chắc sự quí mến cũng có phần giảm sút!

Con chó biết giữ nhà là con chó khôn, lúc nào cũng nằm cạnh cửa ra vào, y như người canh cửa vậy. Do đó, khi tập chó giữ nhà, trong thời gian đầu ta nên xích chó nơi cửa ra vào, ở đó nên đặt một tấm bố, một miếng vải cũ để nó tiện nằm nghỉ ngơi.

DẠY CHÓ KHÔNG CẮN BẬY

Tục ngữ ta có câu: '' Dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng ''. Có nghĩa là trong nhà có cô dâu dữ, ăn ở không biết điều thì họ hàng xa gần ai cũng tránh mặt, không dám đến nhà nữa. Còn nhà nuôi con chó dữ, gặp ai cũng cắn càn thì láng giềng dù thân quen cũng đâu dám đến. Nếu vì con chó mà mất láng giềng, tất nhiên không ai muốn. Chính vì vậy, không ai muốn nuôi chó quá dữ. Người ta chỉ muốn có con chó biết giữ nhà, biết sủa gâu gâu khi có người lạ vào nhà, chứ không ai lịa muốn vì con chó dữ mà nhà có người đến... nằm ăn vạ!

Nhất đó lại là con chó kiểng. Chó kiểng là chó phải cần hiền từ, ai cũng có thể vuốt ve mơn trớn. Chó kiểng mà '' dữ như chó '' thì đâu gọi là chó để làm kiểng nữa!

Chó cắn bậy, đương nhiên là chó dữ, nhưng cũng đồng thời đó là con chó.... mất dạy. Vì nếu nó được dạy dỗ đàng hoàng thì đâu có gặp ai cắn đó.

Muốn vậy thì ta phải tập cho chó.

_ Trước hết, ta phải tập cho chó kiểng biết tuân theo lời chủ. Bảo nằm là nằm. Bảo vào là vào nhà. Bảo lại đây là chó phải lại gần. Bảo đi là chó ngoan ngoãn đi chỗ khác...

_ Khi bảo chó nằm, ta vừa ra lệnh, '' nằm xuống '' đồng thời dùng tay ấn mạnh đầu và mình con chó nằm xuống. Cứ bắt nằm như vậy một lúc lâu. Sau đó, cứ động tác đó mà lập đi lập lại nhiều lần.

_ Khi bảo chó vào nhà, thì ta vừa ra lệnh '' vào nhà '' vừa lấy tay chỉ vào phía trong, đồng thời dậm mạnh chân một cái, chó liền ngoan ngoãn vào nhà. Động tác này cứ lập đi lập lại nhiều lần trong ngày, trong nhiều ngày đến khi chó thuần thục mới thôi.

Cái dậm chân đi ngay với tiếng quát, chó tưởng là mình sắp rượt đuổi nên càng lại nghe lời hơn.

_ Khi bảo chó '' lại đây '' thì ta lấy tay như ngoắc nó lại gần, bàn tay phải uyển chuyển để cho chó kiểng hiểu rằng: lại để được chủ vuốt ve chứ không phải bị trừng phạt, nên nó đến ngay...

Xin lưu ý là không nên dồn nhiều bài học lại một lúc, một buổi học, mà phải cho chó học từ từ, động tác này xong mới sang động tác khác. Với người dạy chó chuyên nghiệp, họ cũng đi từng bước một như vậy mà thôi. Từ bài học dễ sang bài học khó, rồi khó hơn, khó hơn nữa...

Nếu ta trì chí tập luyện thì dù '' ngu như chó '' cũng có ngày chó hết ngu thôi.

Với một con chó kiểng đắt tiền mà lại được dạy dỗ khôn ngoan, chắc chắn trị giá của nó sẽ tăng lên gấp bội.

Với một con chó kiểng loại nhỏ con chừng vài ba kí lô, ẳm bồng trên tay được mà '' mất dạy '' hậu quả tai hại không đáng là bao. Nhưng với những con chó có thân hình như con bò ghé mà '' vô giáo dục '' thì hậu quả tai hại sẽ không lường trước được.

Với những con Berger, Boxer, Danois... nếu tự thấy không đủ khả năng dạy dỗ cho thuần thục, thì chủ nuôi dứt khoát phải đưa chúng đến trường để tập luyện.

Nói tóm lại, càng là chó kiểng, càng phải được tập luyện nhiều tính tốt.

Sưu tầm


Responses

0 Respones to "CÁCH THUẦN HOÁ VÀ NUÔI DƯỠNG CHÓ KIỂNG"

Đăng nhận xét

Categories

Người theo dõi

Return to top of page Copyright © 2012 -2014 : PhamCu Kennel | Design by ConNhaNgheo